Đậu nành hay còn gọi là đậu tương, đậu hoàng miêu, tên khoa học là Glycine Soya, thuộc họ cánh bướm. Được trồng ở thế kỷ XI trước Công nguyên ở Trung Quốc, sau di thực sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam á.
Năm 1765, Samuel Bowen đem về trồng ở Mỹ và sau đó được trồng khắp nơi trên thế giới với vài nghìn chủng loại. Ngày nay, đậu nành trồng ở Mỹ với 52,6 triệu ha cho năng suất 96 triệu tấn, Bazil trồng 10 triệu ha cho năng suất 16 triệu tấn, Trung Quốc trồng 7,5 triệu ha cho năng suất 10 triệu tấn, Việt Nam sản xuất khoảng 120.000 tấn/năm… và đã thành cây thực phẩm quan trọng của nhân loại.
Thành phần hạt đậu nành gồm có: gluxit 15 - 25%, chất béo 15 – 20%, protein từ 35 - 45%, muối khoáng 6%, có các vitamin B1, B2, PP, A, D, E, có các loại men tiêu hóa như amylase, lipase và proteas, chất chống men trypsine, chất chống đông máu, chất sinh bướu giáp và chất phytoestrogen còn gọi là estrogen thực vật làm giảm cảm giác bốc lửa và những rối loạn ở tuổi mãn kinh.
- Đậu nành chứa từ 35 - 45% protein nên đậu nành còn gọi là thịt thực vật, có đủ 8 loại acide amine cần thiết mà cơ thể không tổng hợp được nên là loại đạm tốt; casein đậu nành có nhiều thành phần như casein sữa bò và tốt hơn. Trong các chất béo loại chất béo không no (tốt) chiếm tỷ lệ đến hơn 80%, ngoài ra còn có phospholipide quan trọng là leucithin làm hạ cholesterol, Cục Quản lý Dược & Thực phẩm Hoa kỳ đã chấp nhận “đậu nành là thực phẩm có lợi cho sức khỏe, giảm nguy cơ bệnh mạch vành tim”.
- Công dụng: Đậu nành là thức ăn có đầy đủ chất đạm, chất béo, chất đường, chất khoáng, có nhiều vitamin, enzyme, lại dễ tiêu hóa; giúp tái tạo lại màng tế bào, màng các bào quan tế bào kế cả tế bào thần kinh; giúp tạo hình co, gân, xương, tạo năng lượng. Đậu nành là thuốc bồi bổ cơ thể nhất là trẻ em, đặc biệt là trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng, những người mới ốm dậy, làm việc quá sức, làm việc trí óc. Dùng rất tốt cho người tăng có cholesterol, vữa xơ động mạch, huyết áp cao, bị suy gan, thấp khớp, bệnh gút và đái tháo đường; dùng rất tốt cho phụ nữ tuổi mãn kinh, người có nguy cơ cao hoặc bị ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư dạ dày, người có cảm giác khó chịu như bị ép ở lồng ngực, khó ngủ.
- Ngày dùng 25 – 30g hoặc hơn dưới các dạng bột đậu nành, sữa đậu nành, đậu hũ, chao, đậu phụ, đậu hủ ky, giá đậu nành, tương, xì dầu và ở Nhật còn chế ra bơ đậu nành, pho mát đậu nành …
Sữa đậu nành
Theo Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Thị Tâm Thuận khi dùng sữa đậu nành cần lưu ý những điều sau:
1. Sữa đậu nành nhất định phải đựơc đun sôi kỹ trước khi uống. Trong sữa đậu nành sống có chứa chất ức chế men trypsin, saponin và một số chất không có lợi khác nên nếu uống sữa đậu nành sống hoặc không được đun sôi kỹ sẽ gây ra buồn nôn, nôn, đau bụng đi ngoài,…thậm chí ngộ độc.
2. Không nên đánh trứng cùng với sữa đậu nành vì lòng trắng trứng bị kết hợp với men tiêu hóa trong sữa đậu nành tạo thành một hợp chất kết tủa làm cơ thể khó hấp thu và còn làm mất đi những chất dinh dưỡng.
3. Không nên cho thêm đường đỏ khi uống sữa đậu nành vì trong đường đỏ có chứa nhiều các a xit hữu cơ sẽ kết hợp các chất protit, canxi làm mất đi các chất dinh dưỡng của sữa đậu nành.
4. Khi uống sữa đậu nành nên ăn thêm một chút thức ăn như: bánh ngọt, bánh mì, bánh bao,… hay các chế phẩm của tinh bột để các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành được hấp thu hoàn toàn.
5. Không nên uống quá nhiều sữa đậu nành trong một lúc. Đối với người lớn, một lần không nên uống quá 500ml, nếu không dễ dẫn đến đau bụng, đi ngoài do các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành không được hấp thu hết.
6. Không nên uống thuốc cùng với sữa đậu nành.
7. Không nên đựng sữa đậu nành trong bình giữ nhiệt. Vi khuẩn rất dễ phát triển trong sữa đậu nành ở nhiệt độ ấm, sau 3 đến 4 giờ sữa đậu nành sẽ bị biến chất và không thể sử dụng được nữa.
8. Theo y học cổ truyền đậu nành có tính thiên hàn, hoạt lợi vì vậy những người tỳ vị hư hàn, người có triệu chứng thận hư, di tinh, tiểu đêm nhiều,…đều không nên dùng.
9. Không nên dùng sữa đậu nành thay thế sữa cho trẻ bú. Mặc dù hàm lượng chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành cao nhưng không vẫn đủ cho nhu cầu phát triển của trẻ.
Một số thông tin chất phytoestrogen trong đậu nành sẽ có tác dụng như giảm tinh trùng, giảm sự cương và giảm ham muốn của nam giới thì đến nay chưa có tài liệu chính thức nào nói đến, còn các tài liệu không chính thức cho rằng tác dụng phụ nêu trên chỉ xảy ra với dùng liều lượng lớn. Chúng ta yên tâm khi dùng 25 – 30 gam đậu nành/ngày hoặc khoảng 0,5 - 1 lít sữa đậu nành thì không việc gì phải lo ngại.
BS. Nguyễn Năm
Tài liệu tham khảo:
- Nguồn từ Internet;
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật năm 2003;
- Thức ăn bài thuốc quyển 2, Dược sĩ Bùi Kim Tùng.